Tại tọa đàm, TS. Vũ Hoàng Linh - Giảng viên cấp cao Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Ba thập kỷ sau bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 150 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 136,6 tỷ USD, và nhập khẩu từ Mỹ khoảng 13,1 tỷ USD – một mức thặng dư lớn nghiêng về phía Việt Nam. Cùng với đó, Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn thứ 11 tại Việt Nam, với tổng vốn FDI lũy kế khoảng 11,8 tỷ USD.
|
|
|

|
TS. Vũ Hoàng Linh - Giảng viên cấp cao Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Theo TS. Vũ Hoàng Linh, Việt Nam hiện đang đứng trước một “cửa sổ cơ hội chiến lược” để gia nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Bối cảnh địa - chính trị biến động, cùng với chính sách tái cấu trúc chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn đa quốc gia, đang mở ra cơ hội chưa từng có cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Việc nhiều tập đoàn lớn như Apple, Google, Samsung, HP đã và đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam là một chỉ dấu rõ ràng cho xu thế này. Riêng trong năm 2024, xuất khẩu điện tử và máy móc của Việt Nam đã vượt 100 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, và phần lớn đi vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Thêm vào đó, việc Việt Nam đã ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP... không chỉ giúp giảm rào cản thuế quan, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà sản xuất kết nối Việt Nam vào các chuỗi cung ứng liên khu vực. Hiện nay, theo số liệu từ Bộ Công Thương, khoảng 67% tổng vốn FDI vào Việt Nam đang chảy vào lĩnh vực chế biến – chế tạo, chủ yếu là các ngành liên quan đến chuỗi giá trị toàn cầu như điện tử, dệt may, giày dép, thiết bị cơ khí chính xác. Đáng chú ý, số vốn FDI giải ngân trong năm đạt kỷ lục 25,35 tỷ USD, với hơn 81% tập trung vào các ngành sản xuất có liên kết trực tiếp với chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cho thấy Việt Nam không chỉ thu hút vốn đầu tư, mà còn đang từng bước củng cố vị thế là trung tâm sản xuất trong khu vực.
Về năng lực thực tế, theo TS. Vũ Hoàng Linh, Việt Nam đang cho thấy bước tiến rõ rệt trong tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 405 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nhóm hàng điện tử – máy tính – linh kiện đạt 126,5 tỷ USD, chiếm hơn 31% tổng giá trị xuất khẩu. Đây là minh chứng rõ ràng về việc Việt Nam không chỉ đóng vai trò là điểm gia công, mà đã bước đầu trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Sự hiện diện ngày càng sâu của các tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử, chất bán dẫn và linh kiện tự động là chỉ dấu của xu hướng này.
"Tuy nhiên, cơ hội không tự chuyển hóa thành lợi ích nếu không có cải cách tương ứng. Một số rủi ro như hạ tầng logistics chưa đồng bộ, chi phí vận chuyển còn cao, và nhất là rủi ro về gian lận xuất xứ nếu không kiểm soát tốt, có thể khiến Việt Nam bị loại khỏi chuỗi cung ứng thay vì được tham gia sâu hơn. Chỉ riêng với thị trường Mỹ, ước tính có đến 16% giá trị hàng xuất khẩu từ Việt Nam có nguy cơ bị nghi ngờ về nguồn gốc- nhất là ở các mặt hàng như gỗ, thép và điện tử. (theo một bài báo trên Diplomat trích dẫn một nghiên cứu của đại học Duke). Nếu không có cơ chế kiểm tra – truy xuất nguồn gốc chặt chẽ, Việt Nam có thể đánh mất lòng tin và đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại bất lợi. Do đó, để bảo vệ vị trí trong chuỗi cung ứng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình số hóa hải quan, cải thiện năng lực thực thi pháp luật, và phối hợp chặt với các đối tác thương mại về tiêu chuẩn kỹ thuật và minh bạch thị trường", TS. Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh.
|
|
|

|
TS. Vũ Hoàng Linh - Giảng viên cấp cao Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Theo TS. Vũ Hoàng Linh, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư vào năng lực số hóa quản lý chuỗi cung ứng, tăng tính minh bạch trong quy trình sản xuất, và liên kết chặt hơn với các đối tác nước ngoài để tham gia các tầng giá trị cao hơn (R&D, thiết kế, phân phối). Ngoài ra, cần chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực có kỹ năng công nghệ, luật thương mại quốc tế và năng lực quản trị theo chuẩn toàn cầu.
"Tóm lại, để không chỉ 'được chọn' mà còn 'giữ được vị trí' trong chuỗi cung ứng toàn cầu và quan hệ với Mỹ, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam là then chốt: phải thay đổi tư duy từ 'thụ động gia công' sang 'chủ động kiến tạo giá trị'", TS. Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh.