Bản lĩnh đàm phán trước đối tác cứng rắn
Để đánh giá đúng ý nghĩa của thỏa thuận thuế quan vừa đạt được giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cần làm rõ khái niệm "mở cửa thị trường" và "thuế 0%". Mở cửa thị trường không chỉ dừng lại ở việc giảm thuế nhập khẩu về 0%, mà còn bao hàm việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, khai thác và thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam.
Đó là một bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn và quyết đoán của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như Chính phủ Việt Nam.
Việt Nam đang đối diện với một đối tác có tính cách đặc biệt: Tổng thống Donald Trump - người nổi tiếng với phong cách đàm phán cứng rắn, thiên về thắng - thua rõ ràng.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chọn cách tiếp cận mềm dẻo nhưng không yếu thế: "Nhường một bước để tiến hai bước", đúng như truyền thống ngoại giao khôn khéo của dân tộc. Sau khi đạt được "chiến thắng" trong đàm phán, tâm lý của ông Trump có xu hướng dịu lại và cân nhắc tới lợi ích của đối tác. Chính điều đó mở ra dư địa cho Việt Nam tận dụng thời cơ vàng trong giai đoạn tiếp theo.
Một trong những quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ cũng mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực. Khi Việt Nam chủ động mở cửa thị trường, điều đó tạo áp lực lớn lên các nền kinh tế đang cạnh tranh trực tiếp, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác tin cậy, sẵn sàng hội nhập, và đặc biệt là trung tâm sản xuất và trung chuyển hàng hóa mới của khu vực.
Tác giả bài viết: Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Công ty Xúc tiến xuất khẩu VietGo. Ảnh nhân vật cung cấp.
Việt Nam trở thành "cửa ngõ" chiến lược cho hàng hóa Mỹ vào châu Á
Một trong những tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất từ thỏa thuận này là làn sóng đầu tư từ Mỹ đổ vào Việt Nam. Việc Việt Nam mở toàn bộ thị trường, kết hợp với các yếu tố địa chính trị thuận lợi và năng lực tiếp nhận của nền kinh tế, khiến cho Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng số một cho các doanh nghiệp Mỹ trong giai đoạn dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Đáng chú ý, ngay sau khi Tổng thống Trump tuyên bố tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã thể hiện sự lo ngại.
Trong một cuộc khảo sát do VietGo tổ chức với hơn 50 doanh nghiệp Mỹ vào tháng 5/2025, đa số các doanh nghiệp đều khẳng định không từ bỏ Việt Nam, ngược lại, họ chỉ muốn rời Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam, vì nơi đây sở hữu nhiều lợi thế vượt trội: chính trị ổn định, lao động chất lượng, chi phí cạnh tranh, và đặc biệt là mạng lưới FTA trải rộng toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng Hiệp định thương mại tự do với 17 FTA đã ký kết. Điều này có nghĩa là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu ra thế giới đều được giảm hoặc miễn thuế, biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn "mượn vai" Việt Nam để đi khắp toàn cầu.
Không chỉ dừng lại ở thu hút đầu tư, Việt Nam còn đang nổi lên như một trạm trung chuyển chiến lược cho hàng hóa Mỹ đi vào châu Á – đặc biệt là ASEAN. Thị trường châu Á, nhất là các nước đang phát triển trong khối ASEAN, đang có nhu cầu rất lớn đối với hàng tiêu dùng và công nghệ Mỹ. Khi hàng Mỹ vào Việt Nam, từ đây chúng ta có thể phân phối lại sang các nước khác với mức thuế ưu đãi theo các FTA sẵn có.
Chính điều này cũng mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam - không chỉ trong vai trò nhập khẩu và phân phối hàng Mỹ, mà còn là mắt xích trung gian trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm giá trị gia tăng và thúc đẩy ngành logistics, thương mại tái xuất, và công nghiệp phụ trợ trong nước.
Vẫn còn dư địa đàm phán: Mức thuế 20% có thực sự cao?
Một vấn đề khiến dư luận chú ý là tuy Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận, Tổng thống Trump vẫn tuyên bố áp thuế 20% với hàng hóa trực tiếp từ Việt Nam, và 40% với hàng trung chuyển. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu mức thuế 20% có là cao?
Chúng ta cần nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn: "So với ai thì mới biết là cao hay thấp. Chúng ta cần chờ xem các quốc gia khác đàm phán được mức thuế bao nhiêu thì mới có cơ sở đánh giá". Tổng thống Trump là người có tính cách khó đoán, dễ thay đổi nếu thấy lợi ích đạt được. Do đó, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tiếp tục giảm thuế cho Việt Nam sau một thời gian ngắn, khi các mục tiêu chính trị và thương mại đã được thực hiện.
Mặt khác, việc áp thuế với hàng trung chuyển là điều dễ hiểu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn còn tiếp diễn. Mức thuế 40% đánh vào hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc là một phần trong chiến lược cô lập Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này lại càng củng cố thêm vai trò của Việt Nam như một trung tâm sản xuất thay thế và đối tác ưu tiên trong con mắt các doanh nghiệp Mỹ.
Tóm lại, thỏa thuận thuế quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ mở ra một hành lang thương mại mới, mà còn là lời khẳng định vị thế chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.
Bằng sự nhạy bén, linh hoạt và chủ động, Việt Nam đang biến thách thức thành cơ hội, biến thế bị động thành chủ động, và biến sự điều chỉnh địa chính trị toàn cầu thành bàn đạp để chuyển mình trở thành trung tâm sản xuất - thương mại - logistics của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.