Thuế quan Việt - Mỹ hạ nhiệt: Thị trường rộng mở, xuất khẩu bứt tốc
(Thanh tra) - Nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp nhận định, thỏa thuận bước đầu về cắt giảm thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mở rộng dư địa xuất khẩu cho hàng hóa Việt, mà còn tạo cú hích thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thỏa thuận đàm phán thuế quan với Mỹ thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía doanh nghiệp, giới đầu tư, các nhà phân tích. Ảnh: C.V
Tuy nhiên, để biến cam kết thành lợi ích thực tế, doanh nghiệp Việt cũng cần chủ động chuyển mình, thay vì trông chờ vào chính sách.
Mở toang cánh cửa hội nhập
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, khoảng 20h ngày 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thảo luận về quan hệ Việt - Mỹ và vấn đề thuế đối ứng giữa hai nước. Tổng thống Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ và khẳng định Mỹ sẽ "cắt giảm đáng kể" thuế đối ứng đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Dù chưa công bố cụ thể các dòng thuế được giảm, nhưng thỏa thuận bước đầu này đã lập tức thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, giới đầu tư và các nhà phân tích kinh tế.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Xúc tiến xuất khẩu VietGo, cho rằng để đánh giá đúng ý nghĩa của thỏa thuận thuế quan vừa đạt được, cần làm rõ khái niệm "mở cửa thị trường" và "thuế 0%". Theo ông, mở cửa thị trường không chỉ dừng lại ở việc giảm thuế nhập khẩu về 0%, mà còn bao hàm việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, khai thác và thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam.
"Đó là một bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn và quyết đoán của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như Chính phủ Việt Nam", ông Việt nhận định.
Theo ông Việt, việc là một trong những quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ cũng mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực. Điều này sẽ gây khó cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam khi họ phải đàm phán sau và mức thuế bị áp có thể cao hơn Việt Nam.
"Khi Việt Nam chủ động mở cửa thị trường, điều đó tạo áp lực lớn lên các nền kinh tế đang cạnh tranh trực tiếp, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác tin cậy, sẵn sàng hội nhập, và đặc biệt là trung tâm sản xuất và trung chuyển hàng hóa mới của khu vực", CEO VietGo nhìn nhận.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi, nhận định đây là dấu mốc địa chính trị kinh tế quan trọng trong bối cảnh toàn cầu đang tái định hình chuỗi cung ứng và trật tự thương mại. Theo ông Huy, thỏa thuận không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho xuất nhập khẩu giữa hai nước mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong quan hệ thương mại đầu tư với Mỹ.
Việc cắt giảm thuế sẽ giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn tại thị trường Mỹ, ổn định các đơn hàng hiện có, nhất là các ngành dệt may, gỗ, điện tử, nông sản và thực phẩm chế biến. Điều này sẽ củng cố niềm tin của thị trường, giúp doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng sản xuất, ký kết thêm hợp đồng xuất khẩu mới.
Đáng chú ý, theo ông Huy, thỏa thuận thuế quan còn tạo sức hút với dòng vốn FDI, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất sạch và chuỗi cung ứng bền vững. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp Việt cần đầu tư nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch nhằm đáp ứng các quy tắc xuất xứ ngày càng khắt khe từ phía Mỹ.
"Việc giảm thuế không đơn thuần là giảm chi phí, nó cũng là lời mời vào sân chơi lớn, nơi hàng hóa Việt buộc phải cạnh tranh bằng chất lượng, thương hiệu và sự tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế", ông Huy nhấn mạnh.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính, bất động sản toàn cầu đánh giá, đây là một động thái tích cực từ phía Mỹ. Trong bối cảnh nước này siết chặt thương mại với nhiều quốc gia, việc giảm thuế cho hàng hóa Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường mà còn giúp Mỹ duy trì nguồn cung ổn định từ các đối tác có quan hệ tốt, giảm rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, doanh nghiệp Việt Nam không nên chủ quan. Chính sách thuế của Mỹ có thể thay đổi nhanh chóng tùy theo tình hình địa chính trị và áp lực bảo hộ sản xuất nội địa. Do đó, ngoài việc tận dụng ưu đãi thuế, doanh nghiệp cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ để giảm thiểu rủi ro trong dài hạn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định việc Mỹ áp khung thuế 20% với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, thay vì mức thuế cao tới 46%, là tín hiệu tích cực, giúp hàng Việt giữ lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc và nhiều quốc gia trong khu vực.
Trở thành "cửa ngõ" chiến lược cho hàng hóa Mỹ
Ông Nguyễn Tuấn Việt cho rằng, một trong những tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất từ thỏa thuận thuế quan là làn sóng đầu tư từ Mỹ đổ vào Việt Nam. Việc Việt Nam chủ động mở cửa thị trường, kết hợp với các yếu tố địa chính trị thuận lợi và năng lực tiếp nhận của nền kinh tế, đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp Mỹ.
Trong một cuộc khảo sát online do VietGo thực hiện với hơn 50 doanh nghiệp Mỹ vào tháng 5/2025, đa số doanh nghiệp khẳng định không từ bỏ Việt Nam, bởi nơi đây sở hữu nhiều lợi thế vượt trội như môi trường chính trị ổn định, lực lượng lao động chất lượng, chi phí cạnh tranh và đặc biệt là mạng lưới FTA trải rộng toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng hiệp định thương mại tự do, với 17 FTA đã ký kết. Điều này giúp hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu ra thế giới đều được giảm hoặc miễn thuế, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế.
Không chỉ thu hút đầu tư, Việt Nam còn đang nổi lên như một trạm trung chuyển chiến lược cho hàng hóa Mỹ đi vào châu Á, đặc biệt là ASEAN.
“Thị trường châu Á, nhất là các nước đang phát triển trong khối ASEAN, đang có nhu cầu rất lớn đối với hàng tiêu dùng và công nghệ Mỹ. Khi hàng Mỹ vào Việt Nam, từ đây chúng ta có thể phân phối lại sang các nước khác với mức thuế ưu đãi theo các FTA sẵn có,” ông Việt phân tích.
Đối với khả năng Mỹ áp mức thuế 40% với hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam, ông Việt khẳng định, việc áp thuế với hàng trung chuyển là điều dễ hiểu trong bối cảnh các căng thẳng thương mại vẫn còn tiếp diễn.
Tổng thể, ông Việt nhận định thỏa thuận thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mở ra một hành lang thương mại mới, mà còn khẳng định vị thế chiến lược của Việt Nam trong tiến trình hội nhập sâu rộng.
"Bằng sự nhạy bén, linh hoạt và chủ động, Việt Nam đang biến thách thức thành cơ hội, biến thế bị động thành chủ động, và biến sự điều chỉnh địa chính trị toàn cầu thành bàn đạp để chuyển mình trở thành trung tâm sản xuất, thương mại, logistics của khu vực châu Á - Thái Bình Dương", CEO VietGo nhấn mạnh.
https://thanhtra.com.vn/tai-chinh-701717FFD/thue-quan-viet-my-ha-nhiet-thi-truong-rong-mo-xuat-khau-but-toc-5ae86e3d5.html - Theo trang tin tức Thanh tra